VĂN HÓA-XÃ HỘI
Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh Đình Tứ Kỳ Hạ xã Phượng Kỳ
09/07/2021 11:04:56

LÝ LỊCH DI TÍCH

ĐÌNH TỨ KỲ HẠ

(Xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương)

 

1. Tên gọi di tích:

            a) Tên gọi di tích được thống nhất sử dụng trong hồ sơ khoa học: Đình Tứ Kỳ Hạ, xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

b) Tên gọi khác: Đình Mũ.

           Đình Tứ Kỳ Hạ được gọi theo tên thôn Tứ Kỳ Hạ. Ngoài ra, thôn Tứ Kỳ Hạ còn có tên nôm là thôn Mũ nên di tích cũng được gọi là đình Mũ.

2. Địa điểm và đường đi đến di tích:

a) Địa điểm di tích:

Đình Tứ Kỳ Hạ nằm ở đầu thôn thuộc xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) thuộc phủ Hạ Hồng, sang thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX), Tứ Kỳ Hạ là một xã thuộc tổng Tất Lại, huyện Tứ Kỳ, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương. Sau cách mạng Tháng 8 năm 1945, các xã đều chuyển thành thôn và đơn vị tổng bị bãi bỏ, do đó xã Tứ Kỳ Hạ chuyển thành thôn Tứ Kỳ Hạ và sáp nhập với các thôn: Lộng Khê, Cự Đà và Như Lâm thành xã mới, lấy tên là xã Phượng Kỳ.

Năm 1968, Ủy ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH phê chuẩn việc hợp nhất hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên thành một tỉnh, lấy tên là Hải Hưng. Từ đây, xã Phượng Kỳ thuộc huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Hưng.

Năm 1976, đào sông Cầu Xe trong công trình thủy nông Bắc Hưng Hải, thôn Lộng Khê bị cắt khỏi xã Phượng Kỳ, nhập về xã Tiên Động.

Năm 1979, Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 70/CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới 13 huyện của tỉnh, thành 7 huyện mới. Trong đó hợp nhất huyện Tứ Kỳ và Gia Lộc thành một huyện mới, lấy tên là huyện Tứ Lộc. Từ đó xã Phượng Kỳ thuộc huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Hưng. Sau ngày tái lập tỉnh, huyện vào năm 1997, xã Phượng Kỳ thuộc huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Xã Phượng Kỳ hiện nay gồm ba thôn: Tứ Kỳ Hạ, Cự Đà và Nho Lâm. Dân cư trong xã thuần phác, nghề chính là làm nông nghiệp, có trồng một số loại cây ăn quả (được người dân vùng phụ cận biết đến như: chuối tiêu, chè xanh và cam; những loại quả đó được coi là đặc sản của địa phương).

b. Đường đi đến di tích:

Đình Tứ Kỳ Hạ nằm cách trung tâm thành phố Hải Dương khoảng 16km, cách huyện Tứ Kỳ 3km về phía Nam.

Về thăm di tích, du khách có thể xuất phát từ trung tâm thành phố Hải Dương (tỉnh lỵ của tỉnh Hải Dương) đến ngã ba Hải Tân, theo đường 391 đến ngã ba thị trấn hướng đi ra quốc lộ 10 khoảng 2 km đến địa phận xã Phượng Kỳ rẽ phải khoảng 1,5km là đến thôn Phượng Kỳ - nơi có di tích.

Nếu xuất phát từ Hải Phòng thì đi theo quốc lộ 10 đến địa phận huyện Tứ Kỳ (ngã ba Quý Cao) rẽ phải đi theo quốc lộ 391 hướng đi Hải Dương khoảng 36km đến địa phận xã Phượng Kỳ rẽ trái, đi khoảng 1,5km là đến di tích.

Du khách đến tham quan, chiêm bái di tích có thể bằng ô tô, xe máy, xe đạp đều thuận lợi, dễ dàng.

3. Phân loại di tích:

Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã, nghiên cứu về di tích như quy mô kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, lịch sử nhân vật được thờ, sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội; Căn cứ vào quy định tại Điều 11 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ, chúng tôi phân loại đình Tứ Kỳ Hạ thuộc loại: kiến trúc nghệ thuật.

4. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích:

a) Sự kiện:

- Năm 1946 - 1947, hưởng ứng phong trào "Diệt giặc đói, giặc dốt" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, đình Tứ Kỳ Hạ là cơ sở các lớp bình dân học vụ, góp phần cùng cả nước kháng chiến, kiến quốc thành công.

- Năm 1948, tiểu đoàn Quốc Tuấn, đại đội 61, 62 thuộc trung đoàn 42 của tỉnh Hải Dương và đại đội Nguyễn Huệ (Tứ Kỳ) đóng quân tại đình, họp bàn các phương án đánh giặc và di tích cũng là địa điểm các các đơn vị này làm lễ mừng công khi đánh thắng các bốt giặc Pháp đồng thời làm lễ truy điệu các đồng chí đã hy sinh.

- Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp (1953 - 1954), do phong trào địa phương phát triển mạnh nên thực dân Pháp đã tổ chức nhiều đợt càn quét khốc liệt nhằm triệt phá cơ sở kháng chiến. Tháng 01/1953, thực dân Pháp ép dân làng phá hai dãy giải vũ để xây dựng bốt Măng.

- Năm 1960, thực hiện chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”, địa phương đã hạ giải 5 gian đại bái lấy nguyên vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương.

- Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình là địa điểm hội họp của quân dân du kích xã và kho chứa thóc của nhà nước.

- Từ khi hoà bình (1975) đến nay, mỗi khi thôn có sự lệ liên quan đến việc thờ cúng, hoặc lễ hội truyền thống, mọi người lại tập trung tại đình để họp bàn công việc chung của thôn.

b) Nhân vật được thờ:

Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã; căn cứ vào tài liệu Thần tích - thần sắc do Hương lý, Kỳ hào làng Tứ Kỳ Hạ kê khai vào năm 1938, hiện lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội; sắc phong, câu đối, đại tự hiện lưu giữ tại di tích và truyền ngôn trong nhân dân cho biết: Đình Tứ Kỳ Hạ tôn thờ hai vị Thành hoàng (là thiên thần) có tên huý: Thiện Hộ Thiền Sư Nam Hải và Bảo Đức. Ngoài ra, di tích còn phối thờ Nguyễn Tấn Nghiêm (là nhân thần).

+ Về vị Thành hoàng có tên huý: Thiện Hộ Thiền Sư Nam Hải.

 Theo lưu truyền trong nhân dân, đây là một vị thiên thần bảo vệ làng xóm tránh khỏi tai ương trong cuộc sống, bảo vệ mùa màng tốt tươi, gia súc, gia cầm không bệnh dịch. Đây là hình thức tín ngưỡng dân gian của cư dân trồng lúa nước.

 Hiện nay, tại đình làng Tứ Kỳ Hạ còn lưu giữ được hai đạo sắc phong cho vị Thành hoàng có tên huý Thiện Hộ Thiền Sư Nam Hải, xin nêu nội dung của một đạo sắc (đạo sắc còn lại xin xem trong tài liệu Hán nôm):

- Phiên âm: Sắc Hải Dương tỉnh, Tứ Kỳ huyện, Tứ Kỳ Hạ xã tòng tiền phụng sự nguyên tặng "Nguy nga, huyền thông, tĩnh an, quảng lợi, uông nhuận, dực bảo Trung Hưng Nam Hải Trung đẳng thần", hộ quốc tý dân, nẫm trước linh ứng. Tiết mông ban cấp sắc phong, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật. Trứ gia tặng "Hoằng hiệp Thượng đẳng thần". Đặc chuẩn phụng sự, dụng chí Quốc khánh nhi thân tự điển.

                                                                            Khâm tai!

                                Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

- Dịch nghĩa:

Sắc cho xã Tứ Kỳ Hạ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương theo trước phụng thờ nguyên tặng "Vị thần bậc Trung đẳng Nam Hải cao lớn, huyền diệu, thông suốt, lặng lẽ yên bình, thuận lợi khắp nơi, thấm nhuần sâu rộng, giúp đỡ, bảo vệ thời Trung Hưng", có công giúp nước, che chở cho dân, linh thiêng hiển ứng. Đã được đội ơn ban cho sắc phong, cho phép phụng thờ. Đến nay, đúng dịp Trẫm vừa tròn 40 tuổi, lễ lớn chúc mừng, từng ban cho chiếu báu, ban ân rộng rãi, lễ long trọng có phong tước vị theo từng thứ bậc. Nổi tiếng được tặng thêm "Vị Thần bậc Thượng đẳng hòa hợp rộng lớn". Đặc biệt cho phép phụng thờ, lấy ngày lễ lớn làm ngày Quốc khánh ghi vào phép tắc tế lễ.

                                                                               Kính thay!

                                         Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).

 + Về vị Thành hoàng có tên huý: Bảo Đức.

 Theo truyền ngôn, 13 bà goá chồng của làng Tứ Kỳ Hạ cùng nhau đi mò cua bắt ốc tại bến sông Mũ (cách đình hiện nay 700m về hướng Tây), thì bỗng nhiên có một hòn đá từ đâu trôi ngược dòng về và quay xung quanh 13 bà. Thấy sự lạ, 13 bà cùng bàn nhau khiêng hòn đá về. Đi được chừng 500m thì hòn đá bỗng dưng rất nặng, không tài nào khiêng được nữa. Cho là linh dị, các bà về báo với các vị chức sắc và bô lão trong làng. Làng họp bàn và cử một cụ cao tuổi có chức sắc trong làng ra chỗ hòn đá khấn và xin được rước về thờ tại đình làng. Quả nhiên linh ứng, dân làng rước được hòn đá về đặt thờ tại đình. Từ đó, dân làng có cuộc sống ngày càng ổn định, sung túc, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà.

 Hiện nay, tại đình làng Tứ Kỳ Hạ, có một hòn đá được đặt trên ngai thờ tại hậu cung. Tương truyền, đây là hòn đá thần Bảo Đức (?).

 + Về vị nhân thần: Nguyễn Tấn Nghiêm.

 Theo tài liệu Thần tích - thần sắc năm 1938, hiện lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, thì Nguyễn Tấn Nghiêm nguyên là người làng Tứ Kỳ Hạ, có công giúp triều đình đánh giặc Xiêm (?), không may tử trận, xác trôi về đến bến đò Ngái (nay thuộc xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ) thì dừng lại. Dân làng Tứ Kỳ Hạ biết tin nhưng làm ngơ. Từ đó, trong làng liên tiếp xảy ra tai hoạ: người già rủ nhau ra đi, dịch bệnh hoành hành, gia cầm chết hàng loạt, những cô gái làng vốn nết na, thuỷ mỵ nay như muốn làm loạn. Dân làng sợ hãi, bèn mời thầy địa lý đến xem. Sau khi quan sát, nghiên cứu, thầy địa lý phán rằng, làng đã phạm một lỗi lớn, lập tức phải ra bến sông Ngái khấn cầu xin được thờ ông Nguyễn Tấn Nghiêm tại đình làng làm phúc thần, dân làng sẽ được tai qua nạn khỏi, cuộc sống yên ấm, no đủ.

 c) Đặc điểm của di tích:

 * Vị trí địa lý:

Căn cứ vào bản đồ địa chính hiện hành, xã Phượng Kỳ có vị trí địa lý như sau:

- Phía Đông giáp xã Cộng Lạc (huyện Tứ Kỳ);

- Phía Tây giáp xã Minh Đức (huyện Tứ Kỳ);

- Phía Nam giáp xã Hà Kỳ (huyện Tứ Kỳ);

 - Phía Bắc giáp xã Văn Tố (huyện Tứ Kỳ).

 * Cảnh quan môi trường:

 - Đình làng Tứ Kỳ Hạ toạ lạc tại đầu thôn, trên một khu đất cao, thoáng, rộng, nhìn ra ao đình quanh năm nước xanh trong mát. Cách đình 100m về phía đông là chùa Cảnh Linh (di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1998) tạo thành một quần thể di tích lịch sử mang đậm sắc thái văn hoá tâm linh và tín ngưỡng dân gian đối với du khách và nhân dân địa phương.

 - Một phần diện tích đất đình hiện nay được sử dụng xây dựng nhà văn hoá thôn. Công trình này nằm tại sân bên trái đình, điều đó phần nào ảnh hưởng đến mỹ quan (không ăn nhập với công trình kiến trúc cổ, có giá trị về tâm linh) cũng như làm hẹp không gian của di tích dẫn đến việc phát huy tác dụng của di tích trong những ngày tổ chức lễ hội.

5. Sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng liên quan đến di tích:

a) Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945:

* Theo thần tích - thần sắc năm 1938 do Lý trưởng, Kỳ hào làng Tứ Kỳ Hạ kê khai, thì hàng năm tại đình Tứ Kỳ Hạ có các ngày lễ tiết như sau:

 Tháng giêng tế lễ Kỳ phúc.

 Tháng 3 lễ tứ quý (lễ Cầu an cho một năm, một năm có bốn quí tượng trưng cho bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông).

 Tháng 5 lễ Hạ điền.

 Tháng 8 lễ Trung thu.

 Tháng 10 lễ Thường tân.

 Tháng chạp lễ Thần hiện.

 Trong những ngày lễ thì dùng xôi, gà, lợn, gạo mới, hoa quả và bánh giày. Những đồ lễ ấy thì “Đăng cai” phải làm. “Đăng cai” là những người được làng giao ruộng công điền để cày cấy lấy hoa lợi. Tiền từ việc cày cấy ruộng công điền “Đăng cai” trích sắp sửa lễ vật tế thần trong một năm. Những người Khoa mục, Phẩm hàm, Tiên thứ chỉ, Chánh, Phó hội, Chánh, Phó lý, Chưởng bạ điển lễ được dự tế và phải sắm mũ áo thụng xanh và quần trắng. Trong những ngày tế lễ thì những người dự tế phải chay sạch. Khi phụng nghinh thì 4 người vào chân kiệu phải dùng trai tân. Tế lễ xong thì đồ lễ phân phát biên những người Khoa mục, Phẩm hàm, Tiên thứ chỉ, Lý, Phó trưởng, Chánh, Phó hội, Tân cựu, Thư ký, Chưởng bạ, các cụ lão cùng Trương tuần, Tộc biểu...Khi tế lễ người nào phạm lỗi thì phải phạt vạ 3 hào. Lý trưởng có quyền bắt vạ và theo lệ làng, hạn trong hai ngày thì phải nộp vạ. Nộp 3 hào cho làng. Nếu người bị bắt vạ tự cho mình là oan uổng thì phải kêu làng, nếu làng xử không chịu thì phải kêu quan. Các quan can thiệp về cách trừng phạt. Nếu không chịu nộp vạ thì làng truất ngôi thứ trong ba năm. Nộp vạ rồi không mất quyền lợi gì.

Qua tư liệu khảo sát, điền dã và lời kể của các cụ cao niên tại địa phương cho biết: Hàng năm, tại đình Tứ Kỳ Hạ có một kỳ lễ hội chính diễn ra vào tháng giêng (âm lịch), thời gian từ ngày mồng 9 đến 15 gọi là “Lễ Vào đám”.

Để chuẩn bị cho lễ hội này, ngay từ sau tết nguyên đán, Lý trưởng, Hương lý, Tiên chỉ cùng các vị chức sắc, bô lão của làng đã họp bàn và bầu ra một Ban trù bị hội gồm đại diện cho 4 giáp: Đông, Nam, Tây, Bắc. Ông “Cai đám” của 4 giáp này có trách nhiệm giúp ông Lý trưởng chuẩn bị cho hội và cả 4 giáp đều được giao 3 sào ruộng công điền cày cấy lấy hoa lợi để làm đồ lễ vật tế thần.

          - Sáng ngày mồng 9: tiến hành mở cửa đình, dọn dẹp, bao sái đồ thờ, chồng kiệu, cắm cờ và phong quang đường làng ngõ xóm. Buổi tối cùng ngày, 4 giáp: Đông, Tây, Nam, Bắc cử bốn thanh niên trong giáp của mình ăn mặc quần áo lậu đỏ khiêng lợn ra đình làm lễ tế thần. Lợn được tắm rửa sạch sẽ, đặt trong cũi lim, lưng phủ vải đỏ. Khi lễ vật khiêng ra sân đình, thì lợn của giáp Đông, giáp Nam đứng một bên; lợn của giáp Tây và giáp Bắc đứng một bên. Đúng giờ Tuất (21h tối) theo qui định, làng tổ chức tế Cáo yết, xin phép Thành hoàng làng cho chúng dân mở lễ hội. Đoàn tế 15 người gồm 1 ông Mạnh bái, 1 ông Đông xướng, 1 ông Tây xướng, 1 ông dâng chúc, 1 ông đọc chúc, 3 ông Bồi tế và các Quan viên tế, mặc áo tế màu xanh, quần trắng, chân đi giày vải, đầu đội mũ. Riêng ông Chủ tế mặc áo tế màu đỏ, bối tử thêu rồng, quần màu trắng, đầu đội mũ màu đỏ, viền màu xanh, chân đi hia. Tế một tuần hương, ba tuần rượu, rồi đọc chúc, hóa chúc. Văn tế do người hay chữ trong làng hoặc xã chọn để soạn theo công trạng của các vị thần. Khi đọc đến tên các vị thần thì phải đọc nhỏ và đánh chiêng, trống to để dân làng không thấy.

          Sau lễ tế, tổ chức thi lợn giữa bốn giáp. Lợn tế của bốn giáp được qui định nuôi từ lễ hội tháng giêng năm trước đến lễ hội tháng giêng năm sau, chuồng trại phải thoáng mát, sạch sẽ, không ăn thức ăn tạp và phải là lợn đen tuyền, nếu có một sợi trắng cũng bị làng phạt. Hình thức thi lợn bằng cân tạ do ông Lý trưởng làm giám khảo. Lợn tế của giáp nào được giải nhất sẽ được làng thưởng thêm cho hai sào ruộng nữa. Lợn tế thi xong, lợn của giáp nào lại khiêng về giáp ấy để cùng thụ hưởng chia theo các xuất “Đinh”.

          - Ngày mùng 10: vào buổi sáng, theo quy định của làng, ông Thủ từ trông nom đình được giao 3 sào ruộng cấy hàng năm có trách nhiệm cùng với bốn giáp chuẩn bị “cỗ ngoài” (cỗ đặt ở ngoài sân đình) gồm bốn mâm xôi trắng, bốn con gà trống, 100 cái bánh giày, trầu rượu, hoa quả. Riêng bốn giáp: Đông, Tây, Nam, Bắc phải làm bốn “cỗ trong” (cỗ đặt trong hậu cung đình). Yêu cầu của làm “cỗ trong” rất cầu kỳ: Cỗ được làm tại nhà ông “Cai đám”, gồm một con lợn khoảng 25 cân đã làm thịt sẵn đặt trên bàn, bốn góc bàn, mỗi góc được dựng bằng ba cây mía cánh gián to, mập, chắc khỏe, ngoài quấn bằng vải đỏ, kê trên bánh giày, phía trên tạo mái vòm bằng tre, bốn góc được uốn cong. Phía ngoài của mái che được phủ bằng thịt lợn, giữa nóc mái là một con cá trắm to. Hai đầu của mái phía trước có hai con gà trống quay ra hai phía. Bốn góc đao cong có bốn con cá chim biển tượng trưng cho bốn chiếc khánh. Cỗ được làm xong do 8 thanh niên chưa vợ,  mặc áo lậu đỏ cùng ông “Cai đám” và các vị bô lão trong giáp rước ra đình.

          Khi “cỗ trong” và “cỗ ngoài” đã được chuẩn bị xong, làng tổ chức tế. Đoàn tế cũng gồm 15 người tế là những thành viên đã tham gia tế buổi tối ngày mồng 9, tuy quy trình tế có khác là đầu tiên tế: Củ soát lễ vật (xem lễ vật đã đầy đủ hay chưa), tiếp đến tế Hành sơ (dẫn rượu lần 1), Hành chung (dẫn rượu lần 2), Tuyên chúc (đọc chúc), Hành á (dẫn rượu lần 3) và cuối cùng là tế Tất (hoá chúc).

          Sau lễ tế là tổ chức thi “cỗ trong” giữa bốn giáp. “Cỗ trong” của giáp nào to nhất, đẹp nhất sẽ được làng thưởng cho 1 sào ruộng cấy hưởng hoa lợi trong vòng một năm.

Đồng thời, với việc thi “cỗ trong”, ngoài sân và ao đình cũng tổ chức thi các trò chơi dân gian như: đấu vật, chọi gà, kéo co, bắt vịt.thu hút đông đảo không chỉ người dân Tứ Kỳ Hạ mà còn người dân Thái Bình, Kiến An (Hải Phòng), Gia LộcCác môn như đấu vật, chọi gà, theo thể thức từng cặp, các môn kéo co, bắt vịt theo đội, hình thức giải thưởng được trao gồm giải nhất và giải nhì: giải nhất được 1kg thịt, 1kg xôi và 1 hào; giải nhì được một cặp bánh giày và 5 xu tiền.

Buổi tối, các phường chèo được mời từ nơi khác đến bắt đầu biểu diễn các vở chèo cổ Tống Chân Cúc Hoa, Quan Âm Thị Kính và các trò chơi tam cúc điếm, tổ tôm điếm.

- Ngày 11, 12 và 13, dân làng và khách thập phương đội lễ vật ra đình làm lễ và các trò chơi dân gian như đấu vật, kéo co, chọi gà, tam cúc điếm, bắt vịtvẫn được tổ chức nhưng diễn ra mang tính tự phát, không thi. Vào buổi tối, trên sân đình các vở chèo vẫn tiếp tục diễn

- Ngày 14: dân làng tập trung ra đình từ rất sớm để tổ chức rước. Đi đầu đoàn rước là cờ thần, bát bửu, thanh long đao, kiệu bát cống (trên kiệu có đặt một cỗ ngai tượng trưng cho ba vị thần được thờ), tiếp sau là chiêng, trống, các vị chức sắc, quan viên và cuối cùng là dân chúng. Người được chọn cầm cờ, bát bửu là người trung tuổi, mặc áo lương, quần trắng; người được chọn khiêng kiệu, cầm thanh long đao là thanh niên chưa vợ, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, mặc áo lậu đỏ, chân quấn xà cạp, đầu đội nón dấu; người được chọn khiêng chiêng, khiêng trống là giai ngoại (lấy vợ tại làng Tứ Kỳ Hạ) mặc áo lương, quần trắng; người được chọn đánh trống, đánh chiêng là người có chức sắc, mặc áo tế màu xanh, quần trắng, đầu đội khăn xếp. Đoàn rước theo quy định: từ đình ra xung quanh làng sau đó trở về đình. Đoàn rước giống như một con rồng màu sắc rực rỡ uốn mình trên con đường làng quanh co với tiếng trống, tiếng chiêng (tùng! bi! tùng! bi! bi! tùng!...), xen lẫn tiếng người xem tạo nên một không khí trầm hùng, tưng bừng, náo nhiệt.

Khi đoàn rước trở về đình cùng với đoàn rước của đình làng Cự Đà (nay là thôn Cự Đà, xã Phượng Kỳ) và đình làng Lộng Khê (nay là thôn Lộng Khê, xã Tiên Động) cùng tổ chức hợp tế tại đình Tứ Kỳ Hạ. Từ xa xưa ba làng: Tứ Kỳ Hạ, Cự Đà và Lộng Khê đã kết chạ với nhau do cùng thờ vị Thành hoàng có tên húy Thiện Hộ Thiền Sư Nam Hải. Vào ngày hội của đình làng Tứ Kỳ Hạ thì các chức sắc trong ban tổ chức hội của đình làng Cự Đà và Lộng Khê sẽ sang làm việc với đình làng Tứ Kỳ Hạ rồi tổ chức  rước kiệu Thành hoàng của làng mình sang đình làng Tứ Kỳ Hạ, cùng tế lễ. Lần lượt đến lễ hội của đình làng khác thì hình thức cũng được tổ chức như vậy. Sau cuộc hợp tế, đoàn rước của đình làng Cự Đà và đình làng Lộng Khê ở lại, tổ chức ăn uống, tham dự các trò chơi và chiều đoàn rước của đình làng nào rước trở về đình của làng ấy.

- Ngày 15: vào buổi sáng, lợn tế của bốn giáp được làm thịt, đặt trong thúng, do các thanh niên trong giáp khiêng ra để ở sân đình làm lễ tế Tạ, chiều đóng cửa đình. Lễ vật tế Tạ được chia như sau: ông Tiên chỉ một cái sỏ lợn, các vị chức sắc, chủ tế được khoanh bí, phần còn lại chia các xuất đinh trong giáp.

Ngoài kỳ lễ hội chính vào tháng giêng, đình Tứ Kỳ Hạ còn có các ngày sự lệ (lễ tiết) khác:

- Ngày mồng 5 tháng 5 lễ Hạ điền;

- Ngày mồng 10 tháng 10 lễ Xôi mới;

- Ngày rằm tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng tư, tháng năm, tháng sáu, tháng bảy, tháng tám, tháng chín, tháng mười, tháng mười một, tháng mười hai: lễ Cầu an.

Các ngày lễ tiết này đều tổ chức trong một buổi sáng, quy mô nhỏ và không có các trò chơi dân gian. Lễ vật do bốn giáp chuẩn bị gồm: 1 con gà, 1 cân xôi, hoa quả, trầu rượu.

* Lễ hội sau cách mạng tháng 8 năm 1945:

Sau một thời gian dài gián đoạn, năm 2010, lễ hội đình Tứ Kỳ Hạ mới được tổ chức trở lại do những người đại diện trong thôn đứng ra tổ chức với quy mô lớn và có sự kế thừa những nét đẹp của lễ hội xưa. Tuy nhiên, việc tổ chức không còn đầy đủ và chi tiết như trước Cách mạng tháng Tám (thời gian ngắn và hình thức tổ chức cũng đơn giản hơn). Lễ hội được diễn ra hai ngày, từ mồng 8 đến mồng 9 tháng giêng (âm lịch), được nhân dân địa phương gọi là “Lễ hội truyền thống mùa xuân”. Công tác chuẩn bị cho “Lễ hội truyền thống mùa xuân” hết sức chu đáo.

- Ngày mồng 8, đại diện Ban Khánh tiết di tích báo cáo lãnh đạo thôn và cấp uỷ, chi bộ về thời gian và nội dung chương trình tổ chức lễ hội. Sau đó, Trưởng thôn tổ chức họp thôn với các thành phần: đại diện Ban quản lý di tích, các cụ Thủ từ, các đoàn thể và đại diện các dòng họ, gia đình, các cụ cao niên trong thôn để thông qua nội dung chương trình, kế hoạch tổ chức lễ hội. Sau đó phân công, giao nhiệm vụ cho từng thành viên với từng công việc cụ thể như: dọn vệ sinh trong và ngoài khu vực di tích, treo cờ thần, cờ tổ quốc, khung nhà bạt, bàn ghế, sắp xếp các vị trí ngồi của đại biểu, nhân dân, các khu vực phù hợp theo từng thể loại trò chơi, đồng thời thông báo tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh thôn cho toàn thể nhân dân trong thôn nắm được về thời gian và nội dung chương trình tổ chức lễ hội. Đối với con em ở xa có thư mời hoặc điện thoại. Buổi tối cùng ngày tổ chức một số tiết mục văn nghệ (thơ, ca, hò, vè, trích đoạn kịch ngắn) với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, con người, truyền thống lịch sử của đình làng...do đội văn nghệ thôn trình diễn.

          - Ngày mồng 9, từ 7h30 đến 8h: đồng chí Trưởng thôn đọc diễn văn Khai mạc lễ hội, tiếp đến một vị đại diện Ban Khánh tiết đình giới thiệu từng đoàn đại biểu hoặc cá nhân vào thắp hương các vị Thành hoàng. Mỗi tổ chức đoàn thể, gia đình, dòng họ đến thắp hương đều chủ động sắp lễ và đến tập trung tại sân đình. Các đoàn đều bố trí đi theo hai hàng, có đại diện Trưởng đoàn. Trưởng đoàn thường là người cao tuổi, trưởng họ. Đối với tập thể thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn là Trưởng đoàn. Sau nghi lễ dâng hương là lễ rước lễ vật từ chùa Khánh Linh (do thôn Tứ Kỳ Hạ chỉ còn chùa Khánh Linh và đình Tứ Kỳ Hạ) ra đình gồm: thịt gà, xôi, rượu trắng, muối, trầu cau, vàng hương do các cụ cao tuổi đảm nhận. Đội rước lễ đi thành hai hàng vừa đi vừa đánh trống, đi đầu là một cụ đội mâm lễ. Sau lễ rước lễ, từ 10h đến 11h30 là lễ tế các vị Thành hoàng do đội tế của thôn thực hiện. Đội tế gồm 16 người mặc trang phục quần áo tế, mũ màu xanh, riêng Chủ tế trang phục màu vàng. Nghi thức tế được thực hiện trịnh trọng theo đúng 54 động tác tế của Phan Kế Bính: (củ soát lễ vật, dâng hương, chúc tửu và đọc chúc với nội dung ca ngợi công đức của các vị Thành hoàng đồng thời cầu cho dân làng mạnh khoẻ, làm ăn hưng thịnh, thời tiết mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, tiến tới xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp...)

Buổi chiều, từ 13h đến 16h tổ chức thi một số trò chơi dân gian như chọi gà, bắt vịt, kéo co, cờ tướng do nhân dân trong thôn, xã tham gia. Các trò chơi đều dưới sự chỉ đạo của Ban tổ chức lễ hội và tổ trọng tài điều khiển theo đúng quy định của từng thể loại. Từ 16h đến 17h, Bế mạc lễ hội và thông báo kết quả giải thưởng các trò chơi.

          Ngoài lễ hội truyền thống mùa xuân, trong năm vào các ngày rằm, tại đình cũng tổ chức thắp hương, cúng lễ do các cụ cao tuổi trong thôn và Ban Khánh tiết đình thực hiện.

Có thể nói, lễ hội truyền thống đình Tứ Kỳ Hạ được khôi phục trở lại thể hiện việc tìm về nguồn cội, để tri ân công lao của các vị Thành hoàng có công âm phù che chở, giúp dân làng trong việc bảo vệ mùa màng, sức khỏe, đánh giặc ...nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ tại địa phương về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc tại địa phương như: tục dâng lợn đen, thi cỗ, các trò chơi dân gian....Thông qua lễ hội, cộng đồng nhân dân được thể hiện mình, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của mỗi người dân.

6. Khảo tả di tích:

a) Khái quát về phạm vi, quy mô, bố cục mặt bằng tổng thể của di tích:

Khuôn viên đình Tứ Kỳ Hạ hiện nay có tổng diện tích        m2, gồm các hạng mục công trình:

- Đình Tứ Kỳ Hạ;

- Công trình phụ (nhà kho).

b) Giới thiệu cụ thể về di tích:

Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã, nghiên cứu thực địa và quy mô kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc hiện còn, chúng tôi cho rằng đình Tứ Kỳ Hạ được khởi dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII), trùng tu vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX) và những năm gần đây. Trước đây ngôi đình tọa lạc trong khuôn viên rộng, bốn mặt được bao bọc bởi ao. Cách đình không xa là sông Cầu Xe, sông Tứ Kỳ và xa hơn là sông Văn Úc nơi nhận dòng nước trước khi đổ ra biển. Nơi đây có vị trí trọng yếu, là đầu mối giao thông quan trọng trong việc lưu hành về thủy và bộ, thuận tiện cho việc di chuyển và tiến lui trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bên phải đình là chợ Mũ, được họp vào các ngày chẵn trong tháng, bày bán, trao đổi những sản phẩm của địa phương như tôm, cá, cam, bưởi, gạo...thu hút một lượng lớn người dân Tứ Kỳ Hạ và các vùng lân cận như Lộng Khê (nay thuộc xã Tiên Động), Hà Hải (nay thuộc xã Hà Kỳ). Cách đình 100m về hướng Đông Nam là chùa Khánh Linh (nơi thờ Phật theo dòng Đại Thừa - di tích đã được xếp hạng quốc gia năm 1998). Khi bước chân vào di tích, chúng ta bắt gặp nghi môn /cổng đình được làm kiểu tứ trụ trốn cột (hai cột trụ vuông) để ngăn cách không gian tâm linh (đất của di tích) với đường làng và khu dân cư. Sân đình rộng nơi diễn ra những trò chơi dân gian cũng như những việc chung của cộng đồng. Hai bên sân là hai dãy giải vũ, mỗi dãy ba gian, chất liệu gỗ, mái lợp ngói mũi. Phía sau giải vũ là đình, kiến trúc kiểu “Tiền nhất, hậu Đinh”, gồm 5 gian đại bái, 3 gian trung từ và 3 gian hậu cung, chất liệu gỗ lim chắc chắn. Toàn bộ các hạng mục công trình này được ẩn hiện dưới tán lá của những cây cổ thụ như đa, thị, tượng trưng cho sự phồn thịnh của một vùng quê.

Trải qua hai cuộc chiến tranh và sự biến động của xã hội, các công trình bị tàn phá dần, cảnh quan xung quanh cũng thay đổi.

Hiện nay, đình Tứ Kỳ Hạ có kiến trúc kiểu chữ “Đinh” (J) gồm 3 gian đại bái và 3 gian hậu cung, không có các công trình phụ trợ như nghi môn, nhà khách, giải vũ…Sân đình láng xi măng sạch sẽ, được ngăn cách với đường làng bằng bờ gạch xây nhô cao 20cm. Bên trái sân là nhà văn hoá thôn. Qua ba bậc tam cấp bằng đá là toà đại bái đình.

Toà đại bái 3 gian dài…rộng, được xây dựng kiểu bít đốc thu hồi, mái lợp ngói mũi. Mặt ngoài hai bên tường hồi có nhiều mảng phù điêu nhưng đã bị bong tróc khá nhiều. Cửa vào gồm ba bộ ván bưng (hệ thống cửa bức bàn cũ đã bị hỏng), một bộ ở gian giữa và hai bộ ở gian bên, nối các bộ cửa là tường xây kín. Toà nhà không có hệ thống bảy hiên nên nhìn từ ngoài vào có cảm giác bị hẫng về mặt kiến trúc.

Kết cấu bên trong gồm toàn bộ hệ thống cột, xà, hoành, rui bằng gỗ tứ thiết. Liên kết ngang gồm 4 bộ vì chính theo kiểu “giá chiêng” trên cơ sở các con rường được đặt chồng lên các đấu vuông thót đáy chạm hình bông hoa sen, riêng hai vì gian trung tâm hệ thống các con rường được thay thế bằng vì ván mê không trang trí chạm khắc. Mỗi vì kèo có 2 cột cái, 1 cột quân kê trên chân tảng đá tròn cao 25cm (hệ thống xà và các con thuận được gác lên tường, trốn hàng cột quân phía ngoài, đây là một hình thức mở rộng và tiết kiệm vật liệu gỗ). Nối giữa cột cái và cột quân là hệ thống xà nách, trên đầu hai cột cái là câu đầu và hệ thống trụ, con vành. Tại câu đầu gian trung tâm có khắc dòng chữ Hán: “Tuế Ất Hợi hạ nguyệt; Hoàng Bảo Đại thập niên”, nghĩa là: (Trùng tu) tháng mùa Hạ năm Ất Hợi; Hoàng triều Bảo Đại thứ 10 (1935).

 Liên kết dọc gồm hệ thống xà được bào soi vỏ măng nối liền các bộ vì thông qua các mộng mang cá. Thượng lương chắc khoẻ, khắc dòng chữ Hán: “Bảo Đại cửu niên tuế thứ Giáp Tuất thập nhị nguyệt nhị thập nhật thụ trụ thượng lương”, nghĩa là: dựng trụ thượng lương ngày 20 tháng 12 năm Giáp Tuất, niên hiệu Bảo Đại Thứ 9 (1934). Hoành, rui đều, lắp ghép cân đối.

Hậu cung 3 gian dài …được nối với gian trung tâm toà đại bái, gồm 4 vì kèo. Vì kèo thứ nhất có chức năng ngăn cách giữa đại bái và hậu cung được kiến tạo là một bức chạm bênh bong đề tài “phượng”, “cuốn thư”, “lá hóa long” ở vì nóc, hai bên vì nách là hai bức chạm “độc long”. Dưới bộ vì là bộ cửa kiểu ván bưng, hai bên ra tường hồi xây gạch, tạo sự linh thiêng cho nơi thờ tự, đồng thời tăng độ nhấn cho không gian kiến trúc. Vì thứ hai và vì thứ ba có lối kết cấu giống nhau, kiểu “chồng rường”, các trụ chạm “lá lật” kê trên đấu chạm chữ “triện”, hai bên vì nách thay các con rường bằng vì ván mê kín. Điều đặc biệt của hai vì kèo này, xen kẽ giữa những con rường là những mảng chạm khắc bong kênh nghệ thuật, tạo thành một không gian kín đặc trên vì nách. Có vì nóc chạm rồng, đao tóc thẳng bay về phía sau mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Lê, có vì nóc chạm hổ phù ngậm chữ thọ, hai tay dang rộng, hai mắt mở to rất sinh động. Vì thứ tư, và cũng là gian cuối cùng của hậu cung được kiến tạo hoàn toàn khác. Về mặt kết cấu cũng theo kiểu “chồng rường” nhưng không trang trí chạm khắc, hai bên hồi tạo ra hai bộ vì nữa đỡ mái kiểu chồng diêm cổ các, vừa có tác dụng tạo độ cao, lấy ánh sáng, chống ẩm thấp vừa tạo được sự đăng đối, hoà nhập với mái toà đại bái khiến cho công trình trở nên mềm mại và thanh thoát hơn.

Để mở rộng lòng nhà và không gian thờ tự, hệ thống các vì kèo của toà hậu cung chỉ có hai hàng cột cái, trốn hẳn hai hàng cột quân, nối giữa hai hàng cột cái là một chiếc xà ngang thẳng, tròn chạm “lá hoá long” ở hai đầu. Xét về mặt tạo dáng kiến trúc lối kết cấu này đơn giản, thiếu sự hấp dẫn.

7. Sơ đồ phân bố di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích:

(Có sơ đồ kèm theo)

8. Giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, thẩm mỹ thuộc di tích:

Đình Tứ Kỳ Hạ tôn thờ hai vị thiên thần có tên huý: Thiện Hộ Thiền Sư Nam Hải, Bảo Đức và phối thờ một vị nhân thần Nguyễn Tấn Nghiêm. Các vị thần đã trở thành một biểu tượng tâm linh của dân làng giúp cho dân làng có được cuộc sống ổn định, thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Đình Tứ Kỳ Hạ còn là một trung tâm tín ngưỡng, hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục truyền thống, duy trì những thuần phong mỹ tục. Lễ hội từng diễn ra tại đình là một bằng chứng xác thực, phản ánh lối sống, nếp sống của một làng quê giàu truyền thống. Bên cạnh đó, di tích còn là cơ sở hoạt động cách mạng của bộ đội và du kích địa phương; là nơi mở lớp học sau ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi chống giặc đói, giặc dốt.

Mặc dù đã trải qua trùng tu, tu sửa nhiều lần, đình Tứ Kỳ Hạ hiện vẫn còn bảo lưu được đồng bộ kiểu dáng kiến trúc cổ thời Nguyễn (thế kỷ XIX), ngoài ra còn có một số kết cấu kiến trúc chạm khắc nghệ thuật thời hậu Lê (thế kỷ XVIII) là những tư liệu lịch sử quý giá. Tại đây các nghệ nhân dân gian xưa đã sử dụng kỹ thuật chạm khắc bong kênh một cách thành công. Đó là những mảng chạm “rồng”, “phượng”, “hổ phù” trên vì nóc, “lá hoá long”, “độc long” trên vì nách, “lá lật” trên các con rường. Thông qua đó đã tạo nên không gian thờ tự thiêng liêng, gây ấn tượng với du khách tham quan, học tập tại di tích. Đây là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật cần được bảo lưu.

Trải qua chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, nhiều cổ vật, di vật và đồ thờ tự đã mất mát hầu hết, như­ng hiện nay còn lưu giữ được một số cổ vật, di vật có chất liệu gỗ, gốm, kim loại, đặc biệt là hai đạo sắc phong có giá trị về mặt niên đại và văn bản vào các năm: Duy Tân thứ 3 (1909) và Khải Định thứ 9 (1924). Gần đây nhân dân đã mua sắm, tu sửa và công đức nhiều đồ thờ tự có giá trị nghệ thuật.

9. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích:

- Về đất đai: Đình Tứ Kỳ Hạ không còn nguyên vẹn, đã bị đưa thêm nhà văn hóa thôn làm ảnh hưởng tới cảnh quan, giá trị của di tích.

- Về thực trạng bảo vệ: Công tác trùng tu, tôn tạo di tích chưa được quan tâm đúng mức và thường xuyên. Di tích đang ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, kể cả phần ngoại thất lẫn nội thất. Hệ thống cột, kèo, hoành, rui và một số mảng chạm khắc đã bị mối mọt, bong tróc, nền nhà bị lún, chỗ cao, chỗ thấp. Phần ngói mái hỏng được thay thế bằng prôxiămg làm mất đi vẻ cổ kính vốn có của di tích, cần phải có các biện pháp trùng tu kịp thời.

- Về tổ chức quản lý: Đình Tứ Kỳ Hạ hiện có Ban Khánh tiết quản lý gồm 8 người. Các thành viên là các cụ trong Hội người cao tuổi của thôn. Trong những năm qua, Ban Khánh tiết với chức năng là trông nom, bảo vệ di tích cũng như các di vật, cổ vật đồng thời sắp lễ hương đăng vào các ngày rằm hàng tháng là chính. Từ năm 2010, Ban Khánh tiết cùng với các lãnh đạo thôn tổ chức khôi phục lễ hội truyền thống vào tháng giêng nên việc phát huy của di tích phần nào còn hạn chế.

10. Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích:

- Chủ sở hữu di tích hiện nay thuộc cộng đồng cư dân thôn Tứ Kỳ Hạ.

+ Ngày    tháng    năm UBND xã Phượng Kỳ đã có Quyết định số ....thành lập Ban quản lý di tích với thành phần:

- Trưởng ban: Do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã.

- Phó ban: Đồng chí Trưởng thôn.

Các thành viên trong ban là những người có uy tín, có năng lực, đại diện cho các tổ chức quần chúng như Mặt trận, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hưu trí

           - Địa phương cần có kế hoạch chuyển nhà văn hóa thôn được xây dựng ngay bên trái đình hiện nay ra một vị trí thích hợp để trả lại đất cho đình khi khôi phục các công trình phụ trợ khác cũng như đảm bảo mỹ quan, phát huy tác dụng của di tích trong tương lai.

          - Xây dựng kịch bản và mở rộng lễ hội truyền thống, đặc biệt là tục rước giao hiếu với đình làng Lộng Khê và đình làng Cự Đà. Trong kỳ lễ hội truyền thống tháng giêng nên tổ chức rước ngai thờ các vị Thành hoàng đi xung quanh làng bởi rước vừa để tỏ sự ngưỡng mộ đối với các vị Thành hoàng làng vừa biểu dương sức mạnh của cộng đồng thể hiện cái hay, cái đẹp, cái duyên dáng, cái hài hoà của sự nối tiếp giữa quá khứ và hiện tại đồng thời biểu thị giá trị thẩm mỹ có thể truyền cảm đến mọi người. Rước còn là một nghi thức diễu hành sinh động biểu dương lực lượng của cả cộng đồng, biểu dương những thành tựu về văn hoá truyền thống, về tinh thần đoàn kết trong việc xây dựng nông thôn mới của người dân địa phương nơi đây góp phần vào việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá phi vật thể của dân tộc.

          - Xây dựng kế hoạch và phương án trùng tu, tôn tạo di tích với mục đích đảm bảo nguyên yếu tố gốc của di tích.

          - Kêu gọi công đức của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã, huyện cũng như người con quê hương đang sinh sống trên mọi miền của tổ quốc nhằm xây dựng các công trình phụ trợ cho di tích như nghi môn, nhà khách

- Triển khai Luật Di sản văn hoá được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các văn bản của Nhà nước về bảo tồn di tích, giáo dục toàn dân có ý thức bảo vệ di sản văn hoá của dân tộc.

- Đầu tư trang thiết bị đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy như: Hệ thống khoá cửa, bể nước, đèn pin...và thống nhất hiệu lệnh mật chiêng trống khi có tội phạm tấn công để tăng cường an ninh kịp thời.

 - Phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu, sưu tầm tài liệu hiện vật liên quan tới di tích và người được thờ để làm sáng tỏ nội dung giá trị di tích.

- Thường xuyên tuyên truyền về giá trị của di tích, công lao và tài đức của các vị Thành hoàng được thờ để người dân hiểu hơn về di tích, trên cơ sở đó có ý thức giữ gìn, bảo vệ, góp công, góp của trùng tu, tôn tạo di tích ngày một khang trang.

11. Kết luận:

Căn cứ vào các điều 28, 29,30, 31, 32 của Luật Di sản văn hoá ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; căn cứ vào Quyết định số 1987/QĐ - UBND ngày 19 tháng 5 năm 2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dư­ơng, về việc ban hành Quy chế "Quản lý và xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương"; căn cứ vào Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích; căn cứ vào giá trị di tích, lịch sử nhân vật được thờ, phong tục lễ hội truyền thống; chúng tôi đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương ra Quyết định xếp hạng đình Tứ Kỳ Hạ, xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ là: Di tích kiến trúc nghệ thuật.

12. Tài liệu tham khảo:

+Thư mục tài liệu tham khảo:

- Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, NXBKHXH- Hà Nội 1981;

- Niên biểu Việt Nam; NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1984;

- Địa chí Hải Dư­­­­­ơng;Tập I; Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh Hải Dương; NXB chính trị Quốc gia; năm 2008;

- Hải Hưng năm tháng và sự kiện (1945 - 1995), Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Hải Hưng, xuất bản năm 1995;

- Lịch sử Đảng Bộ và nhân dân xã Phượng Kỳ.

 - Hải Dư­­­­­ơng di tích và danh thắng, Tập I, Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Hải Dư­­­­­ơng, xuất bản năm 1999;

- Lễ hội dân gian tỉnh Hải Dương - Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Dương, xuất bản năm 2010;

- Thần tích, thần sắc làng Tứ Kỳ Hạ - tài liệu lưu trữ của Viện TTKHXH - Hà Nội;

- Luật Di sản văn hoá và văn bản hư­­­­­ớng dẫn thi hành, NXB chính trị Quốc gia, XB năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009;

- Nghị Định số 98/2010/NĐ- CP về Quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. 

- Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích và danh lam thắng cảnh;

- Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, NXB Trẻ, xuất bản năm 2005;

- Sắc phong, câu đối, đại tự tại di tích.

+ Những người cung cấp tư liệu:

Cụ: Vũ Năng Quốc: 87 tuổi (thôn Tứ Kỳ Hạ, xã Phượng Kỳ);

Cụ: Nguyễn Công Phái: 87 tuổi (thôn Tứ Kỳ Hạ, xã Phượng Kỳ);

Cụ: Vũ Dương Xuân: 85 tuổi (thôn Tứ Kỳ Hạ, xã Phượng Kỳ);

Cụ: Hoàng Văn Mỹ: 80 tuổi (thôn Tứ Kỳ Hạ, xã Phượng Kỳ);

Cụ: Vương Hữu Luyện: 80 tuổi (thôn Tứ Kỳ Hạ, xã Phượng Kỳ);

Cụ: Nguyễn Văn Quân: 77 tuổi (thôn Tứ Kỳ Hạ, xã Phượng Kỳ);

Cụ: Vũ Văn Chi: 72 tuổi (thôn Tứ Kỳ Hạ, xã Phượng Kỳ).

13. Xác định cá nhân, tổ chức lập lý lịch di tích:

- Lý lịch được lập ngày 20 tháng 8 năm 2013.

- Người xây dựng hồ sơ: Đặng Thị Thu Thơm

- Phó phòng Bảo tồn di tích - Bảo tàng tỉnh

      

    

NGUỜI LẬP HỒ SƠ

 

 

    Đặng Thị Thu Thơm

 

GIÁM ĐỐC

 

 

 

 

                      Vũ Đình Tiến

     

    

 

 

 

 

 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ PHƯỢNG KỲ - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: Tấn Văn Duẩn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phượng Kỳ

Địa chỉ: UBND xã Phượng Kỳ - huyện Tứ Kỳ - tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0977161526

Email: vanduan.pk@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tháng này: 0
Tất cả: 0