TIN TỔNG HỢP KHÁC
THÔNG BÁO Về việc tăng cường chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại lúa Mùa 2023
15/08/2023 12:00:00

Kính thưa toàn thể nhân dân trên địa bàn xã Phượng Kỳ!

Hiện nay, lúa Mùa trà sớm đang trong giai đoạn đứng cái- làm đòng, trà trung đang trong giai đoạn cuối đẻ - đứng cái. Qua kiểm tra đồng ruộng cho thấy:

- Sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đang vũ hóa với mật độ bướm trung bình 2- 3 con/m2 , cao 5-7 con/m2, cá biệt có những diện tích gần đèn, đường giao thông, ven làng, mật độ 7- 10 con/m2.

- Rầy nâu, rầy lưng trắng đã phát sinh trên các giống lúa nhiễm như các giống Nếp, Bắc thơm số 7, Q5, TBR 225...và trên những diện tích lúa cấy dày, chân ruộng trũng, với mật độ trung bình 100- 150 con/m2 , dự báo trong thời gian tới rầy sẽ phát sinh với mật độ cao khoảng 1.500- 2.000 con/m2.

- Bệnh khô vằn đã phát sinh gây hại trên các diện tích lúa cấy dày, chăm bón mất cân đối (dư thừa đạm) với tỷ lệ bệnh trung bình 3 - 5% số dảnh, cao 10 - 20% số dảnh.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết trong thời gian tới có mưa rào và dông, nhiệt độ dao động từ 26 0C- 31,5 0C, đây là điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển đồng thời các đối tượng sâu bệnh hại cũng phát sinh, gây hại mạnh.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mật độ sâu cuốn lá của vụ Mùa năm nay cao hơn rất nhiều so với các vụ trong những năm gần đây. Trước tình hình trên, UBND xã Phượng Kỳ; BCĐ sản xuất nông nghiệp xã hướng dẫn, khuyến cáo các hộ nông dân thực hiện tốt một số công việc sau:

1. Chăm sóc đúng kỹ thuật lúa giai đoạn đứng cái, làm đòng:

- Tiếp tục tháo gạn bớt nước tại các khu triều trũng, duy trì mực nước trên ruộng 3- 5 cm để tạo điều kiện cho quá trình làm đòng và phát triển đòng được thuận lợi. Tăng cường vệ sinh đồng ruộng, thu vớt sạch rong rêu, cỏ rác, trứng và ốc bươu vàng...

- Đối với các diện tích lúa đang bước vào giai đoạn đứng cái- làm đòng (cây lúa tròn khóm, chóp lá bắt đầu thắt eo) cần khẩn trương bón thúc đón đòng bằng phân Kali với lượng 2- 3 kg/sào. Không nên bón đạm Ure cho lúa giai đoạn này, trừ trường hợp ruộng lúa quá xấu và chỉ bón không quá 01kg Ure/sào.

2. Tích cực kiểm tra, phòng trừ kịp thời một số đối tượng sâu bệnh chủ yếu:

Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt lưu ý những diện tích xanh non do chăm bón mất cân đối thừa đạm, ruộng cấy giống nhiễm hoặc gieo vãi mật độ dày, chân ruộng trũng để phát hiện và phòng trừ kịp thời một số đối tượng sâu bệnh gây hại phổ biến trong thời điểm hiện nay:

2.1. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 6:

- Tập trung phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 từ ngày 18/8- 22/8 (chú ý những diện tích gần ánh sáng đèn, ven đường, gần làng). Sau khi phun 2- 3h nếu gặp mưa nặng hạt cần phải phun lại.

Đối với những diện tích có mật độ sâu cao, rải lứa và những diện tích trà trung gieo cấy muộn (sau ngày 15/7), ngoài khung thời gian khuyến cáo nói trên, các hộ nông dân cần phun lại lần 2 sau 4-5 ngày, thời gian phun trừ từ 24/8- 26/8.

- Các hộ nông dân nên sử dụng một trong các loại thuốc như: Thuốc có hoạt chất Emamectin benzoate (Lion Kinh 5WG, Brocom 50WG), Flubendiamide (Takumi 20WG...), Indoxacarb (Bite 30SC...). Khi sâu xuất hiện với mật độ cao nên kết hợp hai hoạt chất Emamectin benzoate hoặc Flubendiamide với Indoxacarb để phun trừ. Liều lượng phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì, phun thuốc vào chiều mát, phun đảm bảo 01 bình 16- 18lít /sào.

2.2 Rầy nâu - Rầy lưng trắng:

- Tích cực thăm đồng thường xuyên nếu phát hiện mật độ rầy từ 30 - 40 con/khóm (1.500 - 2.000 con/m2) trở lên cần tiến hành phun trừ ngay bằng các loại thuốc như: Oshin 20WP, Chess 50WG, Oppo 50WG...

- Nếu mật độ rầy cao, nên phối kết hợp hai dòng thuốc tiếp xúc + lưu dẫn nội hấp như: Oppo 50WG + Selecron 500EC...để đạt hiệu quả cao hơn. Nên phun thuốc vào buổi chiều mát; phun thấp vòi; phun đúng liều lượng. Nếu phun xong gặp mưa phải phun lại ngay. Sau phun thuốc phải luôn duy trì nước trong ruộng ở mức 2- 5 cm, tối thiểu từ 3 – 5 ngày để tăng khả năng lưu dẫn thuốc, diệt trừ rầy hiệu quả hơn

2.3. Bệnh khô vằn:

Do điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao, nắng mưa xen kẽ trong thời gian tới nên bệnh khô vằn sẽ có chiều hướng phát sinh mạnh và lây lan theo diện rộng. Để hạn chế bệnh nên phun sớm hoặc khi bệnh chớm xuất hiện. Sử dụng các loại thuốc như: Hanovil 10SC, Nevo 330EC, Tilt super 300ND... Nồng độ thuốc phun theo hướng dẫn trên bao bì, phun đảm bảo 01 bình 16 -18 lít/sào. Có thể phun trừ kết hợp với các loại thuốc trừ sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng.

3. Diệt trừ chuột phá hại:

Đề nghị HTX nông nghiệp, các khu dân cư, các hộ nông dân đồng loạt tổ chức đánh bắt chuột bằng mọi biện pháp. Chú ý đánh bắt, đặt bẫy, mồi bả cả khu dân cư, khu gò đống, khu chuyển đổi, khu ven đường. Tuyệt đối không dùng điện đánh bắt chuột dưới mọi hình thức.

Vậy UBND - Ban sản xuất nông nghiệp xã Phượng Kỳ xin thông báo để nhân dân được biết.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ PHƯỢNG KỲ - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: Tấn Văn Duẩn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phượng Kỳ

Địa chỉ: UBND xã Phượng Kỳ - huyện Tứ Kỳ - tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0977161526

Email: vanduan.pk@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 7
Hôm nay: 9
Tháng này: 5,431
Tất cả: 48,005