AN NINH-QUỐC PHÒNG
CÔNG AN XÃ PHƯỢNG KỲ THÔNG BÁO PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM LỪA ĐẢO, CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN QUA MẠNG
27/04/2023 09:40:25

         Trong những năm gần đây, số người sở hữu tài khoản ngân hàng, sẵn sàng tham gia dịch vụ trực tuyến (như giao dịch tài chính, ngân hàng, mua bán trao đổi hàng hóa, những vấn đề phát sinh hàng ngày của đời sống xã hội) đang tăng trưởng nhanh. Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội, giao dịch số là xu hướng và sẽ ngày càng phổ biến hơn trong tương lai, mang lại nhiều lợi ích cho con người. Song, đi kèm với đó các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là lừa đảo qua mạng ngày càng phổ biến, tinh vi, phức tạp, nhiều người dân không lường trước được, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, bức xúc trong nhân dân. Qua công tác điều tra, phòng ngừa tội phạm trên địa bàn tỉnh Hải Dương và tổng hợp phân tích tình hình tội phạm xảy ra trong thời gian qua thấy nổi lên một số loại tội phạm với phương thức thủ đoạn hoạt động như sau:

          1. Giả danh cơ quan pháp luật: Các đối tượng lừa đảo thường giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc giả mạo Cổng thông tin điện tử của Công an để thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra. Sau đó, khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của bị hại vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp với lý do để phục vụ công tác điều tra rồi chiếm đoạt.

          2. Giả danh nhân viên ngân hàng: Thủ đoạn thường thấy là gửi tin nhắn SMS giả mạo của ngân hàng để lừa khách hàng truy cập vào đường link giả, sau đó yêu cầu cung cấp các thông tin bảo mật như tên, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, thông tin thẻ,...khi có được các thông tin này, đối tượng sẽ rút tiền trong tài khoản của nạn nhân.

          3. Lừa nâng cấp sim 4G: Nếu người dân làm theo hướng dẫn sẽ mất số điện thoại và tài khoản ngân hàng theo số điện thoại đó.

          4. Lừa đảo trúng thưởng: Kẻ lừa đảo sẽ gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng xe máy, điện thoại, đồng hồ hoặc tiền mặt… có giá trị lớn. Sau đó, yêu cầu người bị hại nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.

          5. Làm quen trên mạng: Các đối tượng lừa đảo tự giới thiệu là người nước ngoài, kết bạn, liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân thông qua mạng xã hội.

          Một thời gian nói chuyện, cảm thấy đã tạo được lòng tin ở đối phương, đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam. Sau đó, yêu cầu người bị hại phải nộp tiền để nhận quà với các lý do khác nhau như cước vận chuyển, thuế, phí… vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt.

          6. Tuyển cộng tác viên: Các đối tượng dùng thủ đoạn chốt đơn hàng ảo, cho bị hại nhận hoa hồng 1, 2 lần đầu, khi đến đơn hàng lớn hơn sẽ báo bị lỗi, không nhận được tiền.

          7. Mạo danh bảo hiểm xã hội: Đối tượng thông báo nợ tiền hoặc trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội. Yêu cầu bị hại đóng phí để chiếm đoạt.

          8. Chuyển tiền làm từ thiện: Đối tượng lừa gửi tiền làm từ thiện, bạn sẽ được hưởng 30%-40%, sau đó giả làm nhân viên hải quan bắt nạn nhân đóng phí.

          9. Cho số để đánh đề: Đối tượng gửi cho bạn một số bất kỳ và phải mất phí trước. Nếu không trúng sẽ trả lại, còn nếu trúng thì chia hoa hồng cho đối tượng.

          10. Hach tài khoản Facebook: Đây là chiêu lừa đảo đã quá quen thuộc trong những năm gần đây, các đối tượng lừa đảo thường lập hoặc chiếm đoạt quyền quản trị tài khoản của người nào đó rồi nhắn tin lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền.

          11. Mua bán hàng trực tuyến: Đối tượng yêu cầu bị hại gửi link thanh toán trực tuyến chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Đối tượng yêu cầu đóng tiền cọc trước sau đó chiến đoạt mà không gửi hàng.

          12. Chuyển tiền nhầm để ép vay: Đối tượng chuyển tiền vào tài khoản của nạn nhân, sau đó một thời gian thì yêu cầu trả tiền như một khoản vay đóng lãi.

          13. Mạo danh công ty tài chính: Đối tượng cung cấp các khoản vay lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, yêu cầu đóng phí vay, sau đó chiếm đoạt.

          14. Lấy thông tin căn cước công dân: Đối tượng lừa lấy thông tin chụp ảnh CCCD của nạn nhân sau đó thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật

          15. Gọi điện khủng bố: Đối tượng gọi điện khủng bố đòi nợ người vay và cả bạn bè, người thân của người vay.

          16. Giả danh lãnh đạo: Đối tượng lập tài khoản Facebook, zalo…có sử dụng hình ảnh của lãnh đạo của một số cơ quan, doanh nghiệp sau đó nhắn tin cho cấp dưới vay tiền rồi chiếm đoạt.

          17. Gia danh cán bộ viễn thông: đối tượng thống báo cho nạn nhân còn nợ cước yêu cầu trả nợ, sau đó giả danh Công an yêu cầu đóng tiền không sẽ xử lý theo pháp luật.

          18. Các đối tượng lập ra các website đầu tư tài chính, các ứng dụng có giao diện tương tự đầu tư tài chính quốc tế, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia.Các sàn tiền ảo, đầu tư tài chính này cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn, có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian.Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì hoặc lỗi không truy cập được, khách hàng không đăng nhập để rút tiền trong tài khoản mới biết mình đã bị lừa.

          Để không mắc bẫy lừa đảo từ các đối tượng xấu, nhân dân cần lưu ý những điều sau:

          - Cảnh giác với các cuộc điện thoại từ số máy lạ, đặc biệt là các số máy có đầu số nước ngoài.

          - Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.

          - Không truy cập vào các đường link gắn kèm trong nội dung tin nhắn lạ; không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ.

          - Không mua, bán, cho mượn Giấy chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân, tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát.

          - Giữ bí mật, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, thông tin về tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến.

          - Không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội, kể là của người thân, bạn bè.

          Cần gọi điện xác nhận nếu người nhận không nghe máy hoặc viện lý do không tiện nói chuyện thì kiên quyết không chuyển khoản để tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản mạng xã hội.

          - Không chuyển, nộp tiền cho bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác; hạn chế công khai ngày sinh, số Căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng.

          - Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.

          - Khi tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm” thì không được sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân. Đồng thời, chỉ làm việc và liên lạc với ngân hàng để giải quyết vấn đề.

          - Không để các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, sàn giao dịch ngoại hối, tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

          Vậy Công an Xã Phượng Kỳ đề nghị nhân dân quan tâm, thực hiện tốt, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh và phòng chống tội phạm./.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ PHƯỢNG KỲ - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: Tấn Văn Duẩn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phượng Kỳ

Địa chỉ: UBND xã Phượng Kỳ - huyện Tứ Kỳ - tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0977161526

Email: vanduan.pk@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 2
Tháng này: 5,424
Tất cả: 47,998