Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện, tính từ đầu năm đến ngày 12.9, toàn huyện đã ghi nhận 31 ca mắc sốt xuất huyết tại 9 xã, thị trấn, chủ yếu các ca bệnh mang yếu tố nội sinh. Trong đó, Quảng Nghiệp là địa phương có số ca mắc nhiều nhất huyện với 20 ca, Đại Sơn 3 ca, Hưng Đạo 2 ca, các xã Quang Khải, Quang Trung, Quang Phục, Nguyên Giáp, Đại Hợp, Bình Lãng, mỗi xã 1 ca. Các ca mắc xuất hiện chủ yếu từ đầu tháng 8 đến nay và hiện đã có 28 ca đã khỏi bệnh, còn 3 ca đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện.
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH ở một số tỉnh, thành phố cũng như tình hình dịch bệnh trong huyện, thời gian qua, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tích cực để hạn chế số ca mắc SXH. Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện đã xây dựng kế hoạch hoạt động và triển khai thực hiện; tổ chức hoạt động điểm ra quân tổng vệ sinh môi trường. Các hoạt động truyền thông được tổ chức sâu rộng từ huyện tới các xã, thị trấn, trong đó tăng cường tuyên truyền công tác vệ sinh môi trường như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để hạn chế muỗi đẻ trứng, thu gom, lật úp các dụng cụ chứa nước, nằm màn, vệ sinh nguồn nước, giám sát các trường hợp nguy cơ từ vùng có dịch về, quản lý khai báo y tế. Trung tâm Y tế huyện đã chủ động phối hợp với các ngành, các đơn vị y tế chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; tổ chức giám sát, phát hiện, xử lý nhanh các ca bệnh, không để dịch bùng phát trong cộng đồng. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, thuốc, dịch truyền để xử lý kịp thời khi xuất hiện dịch, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh, không để tử vong. Đặc biệt, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức tập huấn chuyên môn về công tác phòng, chống dịch SXH cho cán bộ 23 trạm y tế xã, thị trấn. Theo dõi sát tình hình dịch trên địa bàn huyện để có biện pháp xứ lý kịp thời, hiệu quả và hướng dẫn người dân cách phòng ngừa dịch bệnh. Triển khai cấp hóa chất, trang thiết bị cho các xã có dịch, tổ chức điều tra, giám sát số ổ bọ gậy, thau rửa bể nước với diện tích nhỏ dưới 3m3 tại các gia đình... góp phần giảm thiểu các ca bệnh, khống chế, không để dịch bùng phát trên diện rộng.
Tuy nhiên, qua thực tế vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong phòng, chống SXH. Ngoài sự lơ là, chủ quan của người dân, công tác vệ sinh môi trường tại cộng đồng, cơ quan, đơn vị, các gia đình chưa triệt để. Nhiều nơi vẫn để muỗi gây SXH trú ngụ, sinh sản, phát triển. Người dân chưa thường xuyên lật úp, thu gom, loại bỏ các dụng cụ, phế thải, còn tình trạng để đọng nước trong chậu hoa, cây cảnh, không đậy kín các dụng cụ chứa nước... Hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện vệ sinh môi trường, nhất là tại các ổ dịch của các địa phương chưa sát tới từng gia đình. Các hoạt động truyền thông, nhất là tại các ổ dịch còn thiếu cụ thể và chưa quan tâm đến tư vấn, hướng dẫn thực hành ngay tại gia đình.
Dịch bệnh SXH có tính chu kỳ, thường khoảng 4 - 5 năm/lần. Hiện nay đang là thời điểm giao mùa thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển mạnh. Bên cạnh đó, trong cộng đồng dân cư luôn tồn tại yếu tố nguy cơ để dịch xâm nhập, bùng phát như: sự đi lại, giao lưu giao thương; người dân còn chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Môi trường cho véc-tơ truyền bệnh sinh sản, phát triển vẫn còn và rất khó xử lý triệt để, đó là các đồ dùng, vật dụng phế thải, bể nước không được che đậy, chậu hoa cây cảnh nhiều, các công trình xây dựng bị bỏ hoang... Để chủ động phòng, chống dịch, ngành y tế đề nghị các địa phương cần cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh, chủ động tham mưu các biện pháp phòng, chống và xử lý dịch bệnh nhanh chóng, phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch SXH. Thường xuyên đánh giá chỉ số côn trùng truyền bệnh tại 23 xã, thị trấn và các điểm nguy cơ. Tiếp tục duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, thường xuyên thay nước tại các vật dụng trong gia đình, thu dọn các vật phế thải; phun hóa chất xử lý môi trường.
Ngoài ra, để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, ngành y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Nguồn: Cổng TTĐT huyện Tứ Kỳ.