Đường link video giới thiệu di tích: https://www.youtube.com/watch?v=b31Q4tR8_jA
Trong tâm thức người Việt tự xưa,"cây đa, bến nước, sân đình" vẫn vẹn nguyên hình ảnh gợi nên biết bao thân thuộc. Vẻ đẹp kiến trúc của đình tuy giản đơn, thô mộc nhưng tinh xảo, cổ kính, không bề thế, phô trương mà rất gần gũi, thân thiết. Đây không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, mà còn là “chứng nhân” của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian. Trong bài viết này, xin được giới thiệu với quý vị cùng các bạn đôi nét về di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh Đình Tứ Kỳ Hạ, xã Phượng Kỳ.

Mặt chính di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình Tứ Kỳ Hạ
Di tích lịch sử cấp tỉnh Đình Tứ Kỳ Hạ, xã Phượng Kỳ nằm cách trung tâm thành phố Hải Dương khoảng 20km, cách trung tâm huyện Tứ Kỳ 5km về phía Nam, Đình làng Tứ Kỳ Hạ được xếp loại di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định số 439/QĐ-UBND ngày 25/01/2014 của UBND tỉnh Hải Dương, toạ lạc tại đầu thôn Tân Hợp (thôn Tứ Kỳ Hạ cũ), trên một khu đất cao, thoáng, rộng, nhìn ra ao đình quanh năm nước xanh trong mát. Cách đình 100m về phía đông là chùa Khánh Linh (di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1999) tạo thành một quần thể di tích lịch sử mang đậm sắc thái văn hoá tâm linh và tín ngưỡng dân gian đối với du khách và nhân dân địa phương.
Bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Đình Tứ Kỳ Hạ
Quyết định công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Đình Tứ Kỳ Hạ
Đình Tứ Kỳ Hạ tôn thờ hai vị thiên thần có tên huý: Thiện Hộ Thiền Sư Nam Hải, Bảo Đức và phối thờ một vị nhân thần Nguyễn Tấn Nghiêm. Các vị thần đã trở thành một biểu tượng tâm linh của dân làng giúp cho dân làng có được cuộc sống ổn định, thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Ban thờ di tích đình Tứ Kỳ Hạ
Ban thờ di tích
Đình có kiến trúc kiểu chữ “Đinh” (J) gồm 3 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Bên trái sân là nhà văn hoá thôn. Qua ba bậc tam cấp bằng đá là toà đại bái đình.

Toàn cảnh di tích đình Tứ Kỳ Hạ
Trước cách mạng tháng 8, Lễ hội chính diễn ra từ ngày 09 đến ngày 15 tháng Giêng gọi là “Lễ Vào đám”. Sau Cách mạng tháng 8/1945, Lễ hội được tổ chức đơn giản hơn, diễn ra trong hai ngày, từ mồng 8 đến mồng 9 tháng giêng (âm lịch), được nhân dân địa phương gọi là “Lễ hội truyền thống mùa xuân”. Lễ hội có 2 phần: Phần lễ được tổ chức trang trọng, nhằm tưởng nhớ công lao to lớn vị Thành hoàng làng mà dân làng tôn thờ, với các nghi lễ trang trọng như: lễ rước kiệu, lễ dâng hương, dâng lễ vật, đọc trúc văn và các nghi thức cúng tế… Phần hội với các trò chơi giân gian như chọi gà, bắt vịt, kéo co, cờ tướng do nhân dân trong thôn, xã tham gia. Ngoài lễ hội truyền thống mùa xuân, trong năm vào các ngày rằm, tại đình cũng tổ chức thắp hương, cúng lễ do các cụ cao tuổi trong thôn và Ban Khánh tiết đình thực hiện.
Có thể nói, lễ hội truyền thống đình Tứ Kỳ Hạ được khôi phục trở lại thể hiện việc tìm về nguồn cội, để tri ân công lao của các vị Thành hoàng có công âm phù che chở, giúp dân làng trong việc bảo vệ mùa màng, sức khỏe, đánh giặc ...nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ tại địa phương về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc tại địa phương như: tục dâng lợn đen, thi cỗ, các trò chơi dân gian....Thông qua lễ hội, cộng đồng nhân dân được thể hiện mình, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của mỗi người dân.
Năm 2021, được sự đồng ý và hỗ trợ kinh phí của Sở văn hoá thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, Uỷ ban nhân dân huyện Tứ Kỳ cùng sự quyết tâm đồng lòng của toàn thể nhân dân, ngôi đình đã được tu bổ, tôn tạo lại khang trang nhưng vẫn mang đậm nét cổ kính của đình làng.
Hình ảnh ngôi đình khi chưa xây dựng, tu bổ, tôn tạo

Ngôi đình hiện tại đã được tu bổ, tôn tạo khang trang
Mũ ngai
Sắc phong đình
Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, đình làng Tứ Kỳ Hạ nói riêng, hệ thống đình làng Việt Nam nói chung vẫn mãi như là một minh chứng cho đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo tinh tế và là nơi để mỗi người dân Việt gửi gắm niềm tin, tâm hồn của mình sau những tháng ngày lao động vất vả. Việc gìn giữ, bảo vệ tu bổ và tôn tạo các di tích trong đó có đình làng cũng chính là chúng ta đang thực hiện thông điệp của tiền nhân gửi lại cho hậu thế hôm nay và mai sau.
Xin mời quý vị, quý khách thập hương đến Phượng Kỳ hãy ghé thăm di tích Đình Tứ Kỳ Hạ.
Xin chào và hẹn gặp lại!