VĂN HÓA-XÃ HỘI
Bác Hồ với tết "Trồng cây" Và quan điểm "Trồng người"
01/03/2023 12:00:00

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “trồng cây” và “trồng người” đều quan trọng, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, nên luôn dành sự quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Vì thế, cùng với việc chăm lo, phát triển phong trào “trồng cây”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chiến lược “trồng người”; đồng thời, xác định hai nhiệm vụ đó đều rất quan trọng, có ý nghĩa đối với sự nghiệp cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Không ai quên được lời thơ của Bác:

“Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Để có được phong trào, truyền thống trồng cây Bác đã phải dày công tổ chức, chỉ đạo, gây dựng, trở thành bài học rất quý báu đáng suy nghĩ với hoạt động cách mạng. Không chỉ phát động Tết trồng cây, Người thường xuyên chỉ đạo cán bộ các cấp cần xây dựng kế hoạch trồng cây sớm, “phải chuẩn bị đầy đủ cho “Tết trồng cây”, ươm đủ giống cây, có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu, v.v..”; đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu: Phải trồng cây hiệu quả, “cán bộ cần phải có kế hoạch chu đáo, hướng dẫn chặt chẽ. Trồng cây nào chắc cây ấy” và trồng cây rồi thì phải chăm sóc cây để cây sống và tươi tốt, vì “trồng nhiều mà không chịu khó chăm sóc, để cây chết thì tốn công, vô ích”. Thống nhất giữa nói và làm, gương mẫu làm trước, cứ mỗi dịp xuân về, dù bộn bề việc nước và sức khỏe thế nào, Người cũng nêu gương trong trồng và chăm sóc cây. Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, Người thường viết báo nhắc nhở việc thực hiện “Tết trồng cây” và dành thời gian đi thăm và tham gia trồng cây cùng nhân dân ở các địa phương.

Trong lãnh đạo cách mạng, “trồng người” với ý nghĩa là xây dựng con người tốt đẹp nói chung và xây dựng cán bộ, đảng viên xứng đáng là người chiến sĩ cách mạng chân chính, thì đó là việc suốt đời Người chăm lo.

Người căn dặn:

“Vì lợi ích mười năm trồng cây

Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”

Bằng những từ ngữ mộc mạc, dễ hiểu, Bác Hồ đã thể hiện tư tưởng, quan điểm rất mới lạ. Đó là tư tưởng “trồng cây” đi đôi với quan điểm “trồng người”. Người căn dặn trong Di chúc: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”. Đó chính là kế sách lớn cho sự phát triển, là một trong những giá trị nhân văn sâu sắc, còn nguyên vẹn giá trị trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Thấm nhuần lời căn dặn của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế tri thức, để có được thế hệ tương lai đủ đức, đủ tài gánh vác trọng trách lớn, đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”, như Bác Hồ hằng mong ước, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng và Nhà nước ta là phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Đó chính là sự nghiệp “trồng người” trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà ngày nay Đảng, Nhà nước, những người có trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục phải kế thừa, phát triển.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong phần định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đảng ta đã dành riêng một mục nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục - đào tạo đó là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”. Điều đó cho thấy, Đảng, Nhà nước ta đã nhận thức đúng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của giáo dục đào tạo đối với sự phát triển của đất nước.

Quan điểm “trồng cây” và “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự thể hiện truyền thống văn hóa Việt Nam được giữ gìn và bồi đắp suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Từ lời dạy của Người, phong trào trồng cây luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Và năm tháng qua đi nhưng lời Bác Hồ căn dặn “Vì lợi ích mười năm trồng cây/Vì lợi ích trăm năm trồng người” vẫn còn nguyên giá trị. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Người luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động của các thế hệ hôm nay.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ PHƯỢNG KỲ - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: Tấn Văn Duẩn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phượng Kỳ

Địa chỉ: UBND xã Phượng Kỳ - huyện Tứ Kỳ - tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0977161526

Email: vanduan.pk@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tháng này: 0
Tất cả: 0