Kính thưa toàn thể nhân dân!
Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường thực phẩm sôi động nhất trong năm cả về sức mua lẫn sức bán. Đây cũng chính là thời điểm có rất nhiều vi phạm về ATTP xảy ra do vấn đề lợi ích kinh tế từ phía các nhà sản xuất kinh doanh và do cả sự chủ quan, thiếu kiến thức trong việc lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng. Tết đến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, giò chả, mứt, bánh kẹo, rượu, nước giải khát…của người dân tăng đột biến. Thị trường thực phẩm tết luôn là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi lưu thông trên thị trường, đánh lừa người tiêu dùng. Để đảm bảo cho nhân trong xã được đón Tết vui vẻ, mạnh khỏe, không có ngộ độc thực phẩm xảy ra, Ban văn hóa phối hợp với Đài truyền thanh xã cung cấp một số thông tin phòng ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết cụ thể như sau:
Mỗi người dân hãy luôn là người tiêu dùng thông thái khi chọn mua và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nguyên tắc cơ bản để lựa chọn thực phẩm là:
- Lựa chọn các thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc, ôi thiu và có mùi khó chịu. Thực phẩm tươi sống có màu sắc, mùi vị tự nhiên.
- Các loại rau củ, quả, trái cây, cần cảnh giác với những sản phẩm có bề ngoài trơn bóng , căng mọng, to đều, mỡ màng… vì có thể đó là những sản phẩm đã sử dụng chất kích thích, hóa chất bảo quản. Đây là nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc thực phẩm và các mối nguy hại sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.
Đặc biệt, trong dịp Tết, nhu cầu mua và sử dụng rượu của người dân sẽ rất cao, để đảm bảo an toàn phòng ngộ độc rượu người dân không nên lạm dụng bia rượu, không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không có công bố tiêu chuẩn chất lượng, không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; Trẻ em dưới 18 tuổi không được uống rượu bia.
Để phòng chống ngộ độc thực phẩm hiệu quả thì điều quan trọng là người dân cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATVSTP để cơ quan chức năng có biện pháp giám sát và kịp thời ngăn chặn. Trong trường hợp sau khi sử dụng thực phẩm nếu thấy có biểu hiện của ngộ độc thực phẩm như đau bụng, nôn mửa, sốt, tiêu chảy… cần đến các cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời để bảo vệ sức khỏe và tránh sự việc đáng tiếc có thể xảy ra, góp phần cho nhân dân vui xuân, đón tết an toàn và khỏe mạnh.